Cảng Quy Nhơn tăng tốc phát triển

Khu công nghiệp Nhơn Hội - Khu A - Điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư

Cảng Quy Nhơn tăng tốc phát triển

Cuối tháng 6.2019, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chính thức tiếp nhận quyền quản lý, điều hành Công ty CP Cảng Quy Nhơn. Sau hơn 2 tháng được thu hồi về cho DN nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh cảng Quy Nhơn đã tăng trưởng khá; đi cùng đó là những mục tiêu để tăng tốc phát triển thời gian tới.

Một góc cảng Quy Nhơn

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Quy Nhơn, sau khi tiếp nhận quyền quản lý, điều hành cảng, VIMC đã có nhiều đổi mới, thực hiện các giải pháp giữ nhịp tăng trưởng. Điều đó được thể hiện rõ qua các kết quả sản xuất, kinh doanh trong tháng 7 và 8 vừa qua: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 1,5 triệu tấn, doanh thu hơn 135 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 16,2 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 6,2 triệu tấn, tăng 14% so cùng kỳ; doanh thu đạt 537 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 88 tỷ đồng, nộp ngân sách 42 tỷ đồng.

Từ nay đến cuối năm, cảng Quy Nhơn tiếp tục kế hoạch đầu tư trang thiết bị phục vụ bốc dỡ hàng hóa với 61,5 tỷ đồng. Hiện, cảng có 85 loại phương tiện, thiết bị chuyên dùng để bốc xếp, vận chuyển hàng hóa như hệ thống cần cẩu chuyên dụng, cẩu bờ di động, xe nâng, xe đầu kéo, cân điện tử… đảm đương việc bốc xếp hàng hóa cho tàu container tải trọng đến 30.000 DWT và tàu hàng tổng hợp đến 63.550 DWT.

Tại buổi làm việc mới đây với Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng về định hướng phát triển cảng, ông Phạm Tuấn Linh, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn, cho biết: Với mục tiêu xây dựng cảng Quy Nhơn trở thành thương cảng hiện đại, cửa ngõ ra biển của khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Nam Lào và Đông Bắc Campuchia, công ty sẽ xúc tiến triển khai nhanh dự án mở rộng và phát triển theo quy hoạch mở rộng cảng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt. Cùng với nâng cấp cầu tàu, bến bãi tại cảng, công ty đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư cảng cạn ICD dọc tuyến QL 19 mới, với diện tích 30 ha thuộc địa bàn huyện Tuy Phước. Khu cảng cạn này sẽ được phát triển thành trung tâm logistics, phục vụ chiến lược mở rộng sản xuất, kinh doanh của cảng giai đoạn 2020 – 2025.

Cảng sẽ tổ chức bố trí, khai thác các bến tàu hợp lý, kết hợp ứng dụng dây chuyền, công nghệ mới trong xếp dỡ. Đồng thời, cơ cấu lại các mặt hàng phù hợp, giải pháp đồng bộ để khai thác cỡ tàu trọng tải lớn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác các bến tàu, phục vụ tốt hơn nhu cầu khách hàng khi vận chuyển hàng hóa qua cảng…

Để phát triển cảng Quy Nhơn sớm trở thành thương cảng hiện đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn Phạm Anh Tuấn kiến nghị tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho cảng đầu tư nâng cấp bến tàu số 1 đủ điều kiện tiếp nhận tàu hàng trọng tải 30.000 DWT và các cỡ tàu lớn hơn giảm tải. Đồng thời, có biện pháp di dời bến phao cảng xăng dầu để triển khai dự án nâng cấp bến tàu số 1; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 cảng cạn ICD dọc QL 19 mới; sớm hoàn thành tuyến QL 19 mới từ cảng Quy Nhơn đến giao QL 1 nhằm giải quyết ách tắc giao thông, nâng cao năng lực lưu thông hàng hóa qua cảng.

Đánh giá cao vai trò chiến lược đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng vui mừng nhận thấy sau thời gian ngắn tiếp nhận quản lý, vận hành, cảng Quy Nhơn đã nhanh chóng ổn định tổ chức; hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng khá. “Tỉnh sẽ luôn đồng hành, sát cánh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tối đa để cảng Quy Nhơn tăng tốc phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Theo N.HÂN – Báo Bình Định

滚动至顶部