Rộng cửa thu hút vốn đầu tư từ EU

Khu công nghiệp Nhơn Hội - Khu A - Điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư

Rộng cửa thu hút vốn đầu tư từ EU

Cánh cửa đang rộng mở

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu tới châu Âu tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12 tổ chức tại Bỉ và có các chuyến thăm Áo, Bỉ, EU và Đan Mạch. Sau những thành công trong chuyến đi Nhật Bản và Indonesia tuần trước, với các thỏa thuận hợp tác đầu tư được ký kết có giá trị xấp xỉ 10 tỷ USD, thì chuyến công du châu Âu kéo dài tới ngày 21/10 của Thủ tướng tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang lại những thỏa thuận hợp tác đầu tư mới giữa các doanh nghiệp Việt Nam và EU.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư EU. Trong ảnh: Nhà máy Piaggio tại Vĩnh Phúc. 

Theo kế hoạch, trong chuyến công du châu Âu, Thủ tướng sẽ là một trong các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEM được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp Á – Âu trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16, dự và phát biểu tại các diễn đàn doanh nghiệp tại Áo và Đan Mạch, làm việc và tọa đàm với các tập đoàn lớn của Bỉ…

Tuần trước, tại Nhật Bản, Thủ tướng đã khẳng định rằng, Việt Nam là “cơ hội để các tập đoàn đa quốc gia đa dạng hóa, làm mới và tạo ra sự khác biệt cho chuỗi cung ứng của mình”. Thông điệp này có lẽ không chỉ có ý nghĩa với riêng các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn là đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung, trong đó có các nhà đầu tư đến từ EU.

“Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế”, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham khẳng định điều này tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI của Việt Nam.

Để bổ sung cho nhận định này của ông Nicolas Audier, có thể lấy kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI) do EuroCham thực hiện vào quý II/2018 để chứng minh. Cụ thể, Chỉ số BCI đã tăng 6 bậc so với quý I/2018. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp EU đã ngày càng tin tưởng hơn vào tiềm năng và cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

Sau khi công bố Chỉ số BCI, EuroCham đã tiếp tục công bố Báo cáo “Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA): Góc nhìn từ Việt Nam”. Theo đó, gần như tất cả doanh nghiệp châu Âu đều mong chờ EVFTA được thông qua và thực thi vào năm 2019, hoặc sớm nhất có thể. Cụ thể, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi rằng, EVFTA sẽ có tác động đến hoạt động kinh doanh trong trung hạn hoặc dài hạn. Trong khi đó, có tới 85% thành viên của EuroCham dự đoán hiệp định này sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn. Hơn 80% doanh nghiệp nhận định, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó, có 72% cho rằng, hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á.

“EVFTA sẽ đem lại lợi ích đôi bên cùng có lợi cho châu Âu và Việt Nam”, ông Nicolas Audier nói.

EVFTA được kỳ vọng sẽ được thông qua và ký kết ngay tại Hội nghị ASEM lần này. Nếu không, có thể là sang tháng 11. Sau EVFTA sẽ là Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA), được tách ra từ EVFTA.

Chuyện “làm cho được điều nhà đầu tư cần”

Cánh cửa hợp tác đầu tư với EU đang mở rộng, nhưng câu hỏi đặt ra là, Việt Nam có thể tận dụng được cơ hội đó?

Có một thực tế là, sau 30 năm thu hút FDI, một trong những hạn chế luôn được nhắc tới là thu hút FDI từ Mỹ và EU còn hạn chế, thậm chí quá ít ỏi so với tổng vốn FDI vào Việt Nam, cũng như so với nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư này trên thế giới và vào các nước ASEAN. Cụ thể, năm ngoái, EU đã đầu tư ra nước ngoài tới 334 tỷ USD, tuy giảm 41% so với năm 2016, song vẫn là một khoản đầu tư rất lớn. Trong khi đó, Việt Nam chỉ nhận được một phần rất nhỏ từ khoản vốn đầu tư này.

Hiện đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU là Hà Lan (9,33 tỷ USD), Pháp (3,62 tỷ USD), Luxembourg (2,33 tỷ USD), Đức (hơn 1,8 tỷ USD)… Các thành viên còn lại từ EU, khoản đầu tư vào Việt Nam là không đáng kể.

“Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và EU phát triển tương đối thuận chiều, nhưng FDI vẫn còn quá ít, đặc biệt vào các ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại từ một số nước dẫn đầu EU như Đức, Pháp, Italy…”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thừa nhận.

Tổng kết 30 năm thu hút FDI, xây dựng định hướng chiến lược giai đoạn tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh việc tăng cường thu hút FDI từ châu Âu, bởi đây không chỉ là thị trường đầu tư nhiều tiềm năng với nguồn vốn lớn, mà còn là thị trường có khả năng mang tới Việt Nam những dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn – lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư.

Chia sẻ điều này, ông Nicolas Audier cho rằng, dù Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng “cơ hội không phải tự nhiên mà có”. Theo ông, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, xu hướng bảo hộ đang quay trở lại trên thế giới sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù có thuận lợi là Việt Nam đang tham gia nhiều FTA với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng trong bối cảnh như vậy, để tiếp tục thu hút FDI, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi và sự minh bạch.

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, triển vọng thu hút nhiều hơn vốn FDI từ EU và cả Mỹ, đang phụ thuộc chủ yếu vào việc giải quyết tốt những đòi hỏi của nhà đầu tư về tính công khai, minh bạch và dễ dự báo của chính sách pháp luật của Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, tại Hội nghị 30 năm thu hút FDI, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh việc phải “làm cho được điều nhà đầu tư cần”. Đây là điều kiện đảm bảo để dòng vốn FDI, trong đó có dòng vốn FDI từ EU, tiếp tục đổ vào Việt Nam.

Chuyến đi châu Âu lần này có lẽ cũng là cơ hội để một lần nữa Thủ tướng gửi thông điệp trên tới các nhà đầu tư châu Âu. Có thể vì thế, sẽ không chỉ có thêm các thỏa thuận hợp tác mới được ký kết, mà sau đó sẽ còn nhiều hơn các khoản đầu tư từ EU dốc vào Việt Nam.

Theo Nguyên Đức – Baodautu.vn

上部へスクロール