Nhằm giúp DN giảm gánh nặng chi phí liên quan đến các thủ tục hành chính, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ kế hoạch rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm mức thu phí, bãi bỏ một số loại phí không cần thiết.
Với việc kê khai qua mạng các thủ tục hải quan tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu trong hoạt động kinh doanh.
Thực hiện theo Nghị quyết số 139/NQ-CP (9.11.2018) của Chính phủ về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho DN trên địa bàn tỉnh từ tháng 12.2018. Mục đích từng bước tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bền vững, thu hút đầu tư; bên cạnh đó việc cắt giảm chi phí bất hợp lý trong kinh doanh tăng cơ hội cho các DN của tỉnh phát triển, gia nhập vào thị trường cạnh tranh.
Giảm gánh nặng chi phí
Với việc triển khai cấp mã số thuế tự động cho DN mới thành lập, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký cấp mã số thuế cho DN chỉ trong vòng 30 phút, ngành thuế đã giúp DN giảm đáng kể thời gian, chi phí thực hiện so với trước đây. “Thay vì tới Cục Thuế để đăng ký mã số thuế, toàn bộ các thao tác này được kê khai qua mạng internet và tối đa chỉ trong một ngày là có kết quả. Hiệu quả đầu tiên là giảm thời gian, không có phát sinh các chi phí… bôi trơn”, ông Dương Văn Hành, Giám đốc Công ty TNHH Bidir Hoàng Long (An Nhơn) chia sẻ.
Cũng về vấn đề này, ông Đào Hữu Phúc, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Thuế tỉnh, cho biết: Thực hiện chỉ đạo từ UBND tỉnh về việc cắt giảm chi phí kinh doanh, thời gian qua ngành thuế luôn đổi mới, hỗ trợ tốt nhất cho người nộp thuế bằng việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý thuế, kê khai thuế. Tăng cường kết nối với Kho bạc Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại đảm bảo thực hiện các giao dịch kê khai, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, với việc triển khai áp dụng hệ thống thông quan điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia VNACSS/VCIS, hệ thống giám sát hải quan tự động tại cảng biển Việt Nam (hệ thống VASSCM), Cục Hải quan Bình Định đã phối hợp với 39 ngân hàng thương mại hỗ trợ DN nộp thuế điện tử và thông quan liên tục 24/7 (24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần) tạo điều kiện thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu thực hiện thủ tục thông quan, nộp thuế, phí, lệ phí hải quan; hạn chế tiêu cực trong ngành.
Với việc thực hiện các thủ tục hải quan hiện nay, DN giảm được nhiều khoản chi phí, giảm thời gian chờ đợi. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Phòng Xuất nhập khẩu, Công ty CP Tập đoàn Khải Vy, phân tích: Chỉ riêng việc giải quyết thủ tục hải quan trong ngày nghỉ đã tạo điều kiện cho các DN xuất nhập khẩu. Thử hình dung, với việc kéo dài thời gian thông quan trong 2 ngày nghỉ cuối tuần, DN tốn nhân lực chờ đợi, tốn thêm chi phí thuê bến bãi, bảo quản hàng hóa, một lượng lớn hàng hóa, vốn liếng thay vì bị treo được lưu thông liên tục. Chỉ xét về những chi phí bề ngoài, rõ ràng hiệu quả cho DN rất lớn.
Theo chia sẻ của các DN, trước đây với việc thực hiện các thủ tục hành chính, nhiều khoản chi phí phát sinh không đáng có trở thành gánh nặng; tuy nhiên với việc đổi mới trong cách làm của các cơ quan quản lý, chi ít DN không còn gánh nặng về các khoản phí “bôi trơn”. Hơn nữa, với việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh (đường Hai Bà Trưng, TP Quy Nhơn), các thủ tục hành chính đều được thực hiện tại một điểm, giám sát chặt chẽ, phần nào hạn chế tiêu cực khi DN thực hiện các thủ tục hành chính.
Vì môi trường kinh doanh lành mạnh
Nỗ lực của tỉnh ta trong vấn đề này là hướng tới mục tiêu hỗ trợ phát triển DN, khuyến khích đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở KH&ĐT), cho biết: Để tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và cạnh tranh so với các địa phương khác trong cả nước, Trung tâm đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc tham mưu cho Sở và UBND tỉnh phê duyệt các dự án đầu tư. Và quyết tâm đó đã được cụ thể hóa bằng việc có dự án đầu tư chỉ trong vòng vài ngày, tỉnh đã hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư và trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN. Nhận xét về môi trường thu hút đầu tư, kinh doanh tại Bình Định, ông Jeong Woo Sang, Giám đốc Công ty CP Năng lượng QN (Hàn Quốc) chủ đầu tư dự án điện mặt trời tại Khu kinh tế Nhơn Hội, cho biết: Với việc đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, tích cực hỗ trợ giúp nhà đầu tư, tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện tốt để chúng tôi triển khai ngay Dự án xây dựng Nhà máy điện mặt trời QNY tại khu vực sườn phía Tây núi Phương Mai, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1.612 tỉ đồng (tương đương 70 triệu USD), công suất 40 MWp hiện đang triển khai xây dựng trên khu đất rộng 48 ha. Với sự hỗ trợ tối đa, môi trường đầu tư lành mạnh, chúng tôi tin nhà máy sẽ hoàn thành đúng tiến độ để tháng 6.2019 chính thức đi vào hoạt động.
Theo ông Lê Phương, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Bình Định, trong việc cắt giảm chi phí, hỗ trợ cho DN tiếp cận vốn đầu vào sản xuất, việc kết nối DN – Ngân hàng là một cách để các DN, start-up của tỉnh tiếp cận được các vốn tín dụng ưu đãi từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng; giảm các khâu trung gian. Để thực hiện điều này, Hội Doanh nhân trẻ Bình Định vừa có chương trình kết nối DN với một số ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, nhằm giúp hội viên có cơ hội vay vốn ưu đãi.
Chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng nêu rõ, việc cắt giảm chi phí kinh doanh cho DN cần sự vào cuộc của các sở, ngành, các địa phương; thực hiện đồng bộ; mục tiêu là hướng tới môi trường kinh doanh bền vững như kế hoạch đề ra.
Theo Baobinhdinh.com.vn